- Tác giả,Joe Tidy
- Vai trò,Phóng viên Công nghệ
Hãy nhìn hình ảnh bên trên. Đó là giao diện của Facebook (lúc bấy giờ được gọi là The Facebook) vào thời điểm Mark Zuckerberg và một vài người bạn phát hành nó từ ký túc xá sinh viên 20 năm trước.
Từ đó tới nay, nền tảng mạng xã hội phổ biến nhất thế giới này đã được thiết kế lại hàng chục lần.
Nhưng mục tiêu của nó thì vẫn không đổi: Kết nối mọi người qua mạng. Và kiếm hàng núi tiền từ việc quảng cáo.
Vào dịp nền tảng này bước qua tuổi 20, đây là 4 cách mà Facebook đã thay đổi thế giới.
Facebook thay đổi cuộc chơi mạng xã hội
Các nền tảng mạng xã hội khác, như MySpace, ra đời trước Facebook, nhưng website của Zuckerberg ngay lập tức bùng nổ sau khi ra mắt vào năm 2004, cho thấy một trang web trực tuyến kiểu này có thể phát triển thần tốc như thế nào.
Trong vòng chưa tới một năm, Facebook đã thu hút 1 triệu người dùng và trong vòng bốn năm đã vượt mặt Myspace – điều này là nhờ vào những sáng tạo như tính năng “gắn thẻ” (tag) người dùng trong ảnh.
Lôi máy ảnh kỹ thuật số ra trong một buổi đi chơi đêm, sau đó gắn thẻ bạn bè vào cỡ một chục tấm là thú vui của tuổi mới lớn cuối thập niên 2000. Giao diện cập nhật hoạt động (feed) thay đổi liên tục cũng là một điểm thu hút lớn đối với người dùng mới.
Năm 2012, Facebook vượt mốc một tỷ người dùng hàng tháng và, ngoài một bước lạc nhịp hồi năm 2021 – khi lần đầu tiên lượng người dùng hoạt động hàng ngày bị giảm – nền tảng này vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Bằng việc mở rộng tới các quốc gia ít kết nối và cung cấp internet miễn phí, Facebook đã duy trình và gia tăng số người dùng.
Cuối năm 2023, Facebook báo cáo rằng họ có 2,11 tỷ người dùng hàng ngày.
Phải thừa nhận rằng sự phổ biến của Facebook với giới trẻ không còn được như trước.
Tuy nhiên, nó vẫn là mạng xã hội phổ biến nhất thế giới và đã mở ra một kỷ nguyên mới về hoạt động xã hội trực tuyến.
Một số người cho rằng Facebook và các mạng xã hội đối thủ là công cụ mạnh mẽ giúp kết nối con người. Nhiều người khác coi đây là những sản phẩm gây nghiện nguy hiểm.
Facebook giúp dữ liệu cá nhân trở nên quý giá… và khiến dữ liệu đó bớt đi tính riêng tư
Facebook đã chứng minh rằng việc thu thập thông tin người dùng thích hoặc không thích thứ gì có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ.
Hiện tại, công ty mẹ của Facebook là Meta đã trở thành nhà quảng cáo khổng lồ, cùng với Google, chiếm phần lớn chi tiêu quảng cáo toàn cầu .
Hôm thứ Năm (ngày 1/2), Meta báo cáo doanh thu hơn 40 tỷ USD trong quý cuối cùng của năm 2023, chủ yếu đến từ việc cung cấp dịch vụ quảng cáo nhắm mục tiêu. Lợi nhuận khoảng chừng 14 tỷ USD.
Tuy nhiên, Facebook cũng đã nhiều lần cho thấy khả năng đi chệch hướng từ việc thu thập dữ liệu.
Meta đã nhiều lần bị phạt do những sai phạm trong việc xử lý thông tin cá nhân.
Vụ bê bối ồn ào nhất là vụ rò rỉ dữ liệu Cambridge Analytica năm 2014, dẫn đến việc Facebook phải chi 725 triệu USD để hòa giải các kiện tụng pháp lý liên quan đến rò rỉ dữ liệu.
Năm 2022, Facebook bị Liên minh châu u phạt 265 triệu euro vì cho phép trích xuất dữ liệu cá nhân trực tiếp từ trang web.
Năm ngoái, công ty đã bị Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu Ireland phạt mức kỷ lục, 1,2 tỷ euro, do truyền dữ liệu người dùng châu u ra bên ngoài khu vực tài phán này.
Facebook hiện vẫn đang kháng cáo mức phạt trên.
Facebook chính trị hóa Internet
Với khả năng cung cấp dịch vụ quảng cáo nhắm mục tiêu, Facebook trở thành một nền tảng quan trọng cho các chiến dịch bầu cử trên toàn cầu.
Chẳng hạn, trong vòng năm tháng trước bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020, đội ngũ của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã chi hơn 40 triệu USD vào quảng cáo trên Facebook, theo nghiên cứu của Statista.
Facebook cũng đóng vai trò thay đổi chính trị cơ sở bằng việc tạo điều kiện cho những nhóm người phân tán có thể tập trung, lên kế hoạch, và thực hiện chiến dịch trên quy mô toàn cầu.
Facebook và Twitter được cho là đóng vài trò quan trọng trong làn sóng cách mạng Mùa xuân Ả Rập thông qua việc giúp điều phối các cuộc biểu tình và phổ biến tin tức về những gì đang xảy ra trên thực địa.
Tuy nhiên, việc sử dụng Facebook cho mục đích chính trị đã bị chỉ trích về một số hậu quả, bao gồm những tác động đến quyền con người.
Năm 2018, Facebook đã công nhận một báo cáo của Liên Hợp Quốc, trong đó cho rằng họ đã không thể ngăn chặn người dùng sử dụng nền tảng này để “kích động bạo lực trong thực tế” nhằm vào người Rohingya ở Myanmar.
Facebook khởi xướng cho sự thống trị của Meta
Với thành công vang dội của Facebook, Mark Zuckerberg đã xây dựng một đế chế công nghệ và mạng xã hội lớn mạnh chưa từng có về số lượng người dùng cũng như tầm ảnh hưởng.
Các công ty mới nổi như WhatsApp, Instagram và Oculus đều được mua lại và được tiếp thêm sức mạnh dưới trướng công ty mẹ Facebook (đổi tên thành Meta năm 2021).
Meta cho biết hiện có hơn ba tỷ người sử dụng ít nhất một trong các sản phẩm của công ty hằng ngày.
Khi không thể mua lại, Meta thường bị cáo buộc sao chép các đối thủ cạnh tranh để duy trì vị trí thống trị.
Tính năng “Story” tự biến mất trên Facebook và Instagram giống với một tính năng quan trọng của Snapchat.
Instagram Reels là câu trả lời của Meta cho những thách thức đến từ TikTok; và Threads là nỗ lực bắt chước nền tảng X – từng được gọi là Twitter.
Các chiến thuật trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, nhờ vào sự cạnh tranh gia tăng và môi trường quản lý nghiêm ngặt hơn.
Năm 2022, Meta buộc phải bán lỗ ứng dụng tạo GIF – Giphy, sau khi chính quyền Anh chặn việc sở hữu dịch vụ này do lo ngại về sự thống trị quá mức trong thị trường.
Facebook trong 20 năm tới
Sự vươn lên và thống trị liên tục của Facebook là minh chứng cho khả năng của Mark Zuckerberg trong việc giữ cho nền tảng này liên quan tới mọi người dùng.
Vào lễ kỷ niệm 10 năm của Facebook, nhiều hãng truyền thông, bao gồm cả BBC, đã từng đặt câu hỏi liệu nền tảng này có còn tồn tại cho đến ngày kỷ niệm 20 năm hay không.
Giờ đây, những người hoài nghi sẽ ngần ngại trước khi đặt câu hỏi về sự kết thúc của Facebook.
Tuy nhiên, việc tiếp tục danh hiệu mạng xã hội phổ biến nhất trong 20 năm tới sẽ là một thách thức to lớn cho Facebook.
Điều đó không chỉ bởi sự thay đổi chóng mặt của mạng xã hội, mà còn vì Meta hiện đang đẩy mạnh việc xây dựng doanh nghiệp xung quanh ý tưởng về Metaverse.
Trí tuệ nhân tạo cũng là một ưu tiên lớn đối với Meta.
Có thể nói rằng chính công ty đang dần bỏ rơi Facebook. Tuy nhiên, liệu người dùng có làm điều tương tự hay không lại là một vấn đề khác.